Chàng trai Ngô Phương được biết đến với ý nghĩ “lạ lùng”: Bỏ phố ra đảo để biến tỏi Lý Sơn thành thương hiệu vươn xa. Và chỉ sau hơn 1 năm, anh đã thành công với thương hiệu VOLCANO. Với Phương, khởi nghiệp cần phải có ý chí.
Khởi nghiệp từ số 0
PV: Sinh ra ở Thái Nguyên nhưng cơ duyên nào lại đưa bạn ra đảo Lý Sơn thế?
Năm 2015, tôi đi du lịch tại đảo Lý Sơn. Lúc đó, đảo mới có điện, du lịch cũng chưa phát triển. Biết được ở vùng này có đặc sản là tỏi, ý định ra đảo lập nghiệp bắt đầu “nhen nhóm” trong tôi. Một năm sau, khi quyết định chuyển sang làm tỏi đen, tôi có đi khảo sát các vùng nguyên liệu tỏi của Việt Nam dọc từ bắc tới Nam, và rồi khi trở lại Lý Sơn, tôi thực sự rất bất ngờ trước sự phát triển của du lịch ở đây. Chỉ sau 1 năm, các dịch vụ bắt đầu phát triển và lượng khách đến đảo bắt đầu đông dần. Tôi thấy, đó là cơ hội cho mình vì khách đến đảo thường mua đặc sản hành, tỏi của đảo làm quà đem về biếu tặng. Tỏi đen là một sản phẩm khá mới mẻ khi đó và trên đảo cũng có ít người làm nên cơ hội giành cho mình rất lớn. Tôi đã quyết định đến đảo mở cơ sở sản xuất và chế biến tỏi đen.
PV: Ngày đầu lập nghiệp trên đảo, hẳn bạn gặp không ít khó khăn?
Trước khi khởi nghiệp, tôi là 1 kỹ thuật viên điện tử, dường như tất cả với tôi là con số 0, vốn cũng không có nhiều. Năm đầu tiên đến đảo, tôi vấp phải sự cố thuê mặt bằng làm xưởng và các giấy tờ pháp lý nên chưa mở xưởng được. Không có nhiều vốn nên giải pháp ban đầu tôi chọn là đi bán bánh tráng trộn với trà sữa để duy trì cuộc sống tại đảo. Tôi bán dạo bằng xe đẩy, sáng bán ở cầu cảng từ 6h -13h, chiều bán ở đê cổng Tò Vò từ 15h-23h. Nhưng sau khoảng 3 tháng thì đuối sức vì thức khuya dậy sớm nên tôi đã nghỉ bán buổi sáng, chỉ bán buổi chiều tại cổng Tò Vò vì ở đây lượng khách đông hơn. Lúc đó, trà sữa cũng mới phát triển trên đảo nên được người dân nhất là các bạn trẻ rất ủng hộ. Do đó, tôi có tiền duy trì cuộc sống và “nuôi” dự án tỏi đen của mình.
Sau 1 năm, tôi thành lập Công ty TNHH VOLCANO (04/2017). Khi công việc làm tỏi nhiều, tôi mới sang nhượng lại quán trà sữa (thương hiệu và công thức nấu) cho một người dân địa phương và chuyên tâm làm tỏi đen, phát triển thương hiệu VOLCANO.
Tôi nghĩ, kinh nghiệm và kiến thức sẽ có khi mình làm việc và va vấp trực tiếp, nên phải bắt tay vào làm nhỏ dần rồi lớn, học và tích lũy hàng ngày.
PV: Người trẻ vốn ưa thích nơi phồn hoa, đô hội, còn bạn lại “khác người” khi lập nghiệp ở đảo xa?
Đảo Lý Sơn là một hòn đảo được thiên nhiên ưu ái với rất nhiều cảnh đẹp. Tôi lại vốn là người thích đi du lịch và đã bị chinh phục bởi vẻ đẹp của đảo. Tôi nghĩ giờ đây mình được làm công việc mình yêu thích tại nơi mình từng mơ ước được sống (một ngôi nhà sát biển) thì đó là niềm hạnh phúc. Xưởng sản xuất của công ty tôi cũng gần bờ biển, trên tuyến phố đi bộ mới được quy hoạch từ cầu cảng An Vĩnh về khách sạn Mường Thanh Lý Sơn.
Thêm nữa, Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi” nhưng lại chưa có cơ sở lớn hay công ty nào đầu tư tại đó sản xuất về tỏi đen nên về ưu thế cạnh tranh, tôi có lợi thế rất nhiều. Vì xa xôi nên ít người đủ dũng cảm để đến đó làm thì đó là cơ hội lớn cho mình nên tôi quyết định phải làm ngay.
PV: Vậy phản hồi đầu tiên của khách hàng về sản phẩm của VOLCANO ra sao?
Nơi nào có du lịch phát triển thì các đặc sản và ẩm thực bản địa luôn có cơ hội phát triển. Tôi nhắm tới đối tượng người mua quà biếu quà tặng làm trọng tâm để phát triển sản phẩm của mình, ngoài chất lượng tốt, cam kết các sản phẩm thu mua trực tiếp của người dân địa phương (có hợp đồng mua bán) thì thiết kế bao bì, nhãn mác đẹp để thu hút khách hàng. Thực sự là khách rất thích thú khi đến đây mua tỏi đen về làm quà.
Nói “Không” với tỏi giả
PV: Làm thế nào để bạn khẳng định được thương hiệu VOLCANO chỉ sau chưa đầy 2 năm?
Vì luôn mong muốn phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn, do vậy, tôi thường dành thời gian trò chuyện với người dân về mong muốn phát triển sản phẩm. Tôi chỉ thu mua tỏi đạt chất lượng, nói không với tỏi giả, tỏi đất liền chuyển ra nên được nhiều người dân tin tưởng, một số người trong đó còn cho trả chậm tiền tỏi đến vài tháng.
Hiện tôi thu mua trực tiếp từ nông dân tại đảo. Các sản phẩm chính chế biến là tỏi đen, rượu tỏi đen, giấm tỏi mật ong, tỏi khô, hành tím khô, tỏi khô ngâm ớt tiêu xanh, tỏi khô lột vỏ sẵn, rau câu, rau chân vịt… Sắp tới, tôi sẽ ra mắtmột số sản phẩm mới nữa ra đời chủ yếu được chế biến từ tỏi và hành.
Xưởng sản xuất mới với diện tích gần 100m2 của công ty sắp đưa vào hoạt động và cho khách du lịch thăm quan trực tiếp mô hình sản xuất từ ngày 30/4/2019.
PV: Bạn có dự đinh xuất khẩu sản phẩm chứ?
Hiện diện tích trồng tỏi tại đảo hạn chế nên nếu để xuất khẩu tỏi khô thì tương lai sản lượng tỏi sẽ không đáp ứng được. Vì thế, tôi đang nghiên cứu một số sản phẩm mới dạng chiết xuất tinh dầu, nâng giá trị của tỏi lên cao hơn để thực hiện mục tiêu xuất khẩu trong thời gian tới của công ty. Hiện tại, tôi vẫn cố gắng làm ra những sản phẩm tốt nhất để phát triển thị trường trong nước trước tiên.
PV: Phương chia sẻ điều gì đối với những người mới khởi nghiệp?
– Xin gửi tới những người mới khởi nghiệp là hãy kiên định với mục tiêu của mình!
“Nơi nào có ý chí
Nơi đó có con đường.
Nơi nào có khó khăn,
Nơi đó có cơ hội.”
PV: Cảm ơn bạn
Theo Hà Nội Tv