Sản phẩm OCOP: Cần quan tâm khâu hậu kiểm và đánh giá.

Theo báo Quảng Ngãi, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”  hay gọi là OCOP  ngày càng lan tỏa mạnh, sản phẩm gắn sao OCOP ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ mạnh hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ thể chưa chú trọng đến khâu thực hiện đầy đủ các quy trình OCOP.

Những tồn tại hiện có:

Sau quá trình kiểm tra các sản phẩm, Hội đồng thẩm định, đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã loại hàng loạt 10/42 sản phẩm trong đợt đánh giá này, phân hạng OCOP đợt 1 – lần thứ nhất năm 2022. Theo đánh giá của Tổ tư vấn chuyên môn, nguyên nhân chính là các chủ thể chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định của tỉnh, tên sản phẩm không trùng khớp  với thành phần cấu tạo, những công dụng ghi trên nhãn sản phẩm chưa được ngành chuyên môn kiểm chứng, chứng nhận và đánh giá…
Đơn cử như các sản phẩm nước cất tinh dầu đa năng, bột ngâm chân và nước rửa chén hương quế Trà Bồng. Chủ thể của các sản phẩm này không có hồ sơ chứng minh công dụng và các thành phần (chất tạo đậm đặc sinh học, màu thực phẩm…) như thông tin ghi trên nhãn. Hay như sản phẩm rượu tỏi đen Lý Sơn hiện chưa có giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Còn sản phẩm dầu phụng của chủ thể trên địa bàn TX.Đức Phổ thì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định do Sở Công thương quản lý.
Ngoài ra, có 4 sản phẩm OCOP 3 sao của các chủ thể thi nâng hạng sao, nhưng chưa đáp ứng các điều kiện. Nguyên nhân, chủ thể chưa phát triển thương hiệu theo hướng liên kết tiêu thụ, chưa chủ động và sáng tạo trong cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Thực tế hiện nay, vẫn còn một số chủ thể chưa đầu tư hệ thống nhà xưởng đúng quy chuẩn, sản xuất theo phương thức thủ công, vừa ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, vừa không đảm bảo tính chuyên nghiệp của một sản phẩm đạt sao OCOP. Có tình trạng sản phẩm đã đạt sao, nhưng chủ thể xem nhẹ việc dán nhãn OCOP cũng như tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chỉ dán khi đưa hàng đi tham gia xúc tiến thương mại hoặc hội chợ triển lãm.
Các chủ thể cho rằng, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hoặc hộ cá thể gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện hồ sơ cũng như không đáp ứng đủ các điều kiện của OCOP. Chẳng hạn như yêu cầu chủ thể phải có giấy chứng nhận cơ sở an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng không được sản xuất tại trụ sở. Vấn đề là không phải chủ thể nào cũng có điều kiện và nguồn lực để xây dựng được cơ sở sản xuất riêng. “Chúng tôi sản xuất theo kiểu lấy công làm lời, tận dụng các điều kiện sẵn có của gia đình để sản xuất, từng bước mở rộng quy mô. Tôi mong Nhà nước có cơ chế linh hoạt đối với những nông dân khởi nghiệp, giúp chúng tôi mạnh dạn tiếp cận và hoàn thiện phương thức sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường”, ông Đỗ Quý Nam, ở xã Đức Phong (Mộ Đức), bộc bạch.
Nâng tầm giá trị sao OCOP
Ngoài sự hỗ trợ từ chính quyền các địa phương, đơn vị, sở, ngành liên quan thì đơn vị tư vấn được xem là cánh tay đắc lực trong việc hỗ trợ cho các chủ thể trong quá trình thực hiện các thủ tục dự thi OCOP. Bởi hầu hết các chủ thể, kể cả doanh nghiệp và cơ sở sản xuất có quy mô cũng “khoán trắng” cho đơn vị tư vấn trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục liên quan. Chính vì vậy, xảy ra tình trạng sản phẩm trùng lặp giữa các địa phương, thông tin và số liệu cũng như quy trình sản xuất, liên kết tiêu thụ bị “hớ” giữa hồ sơ sản phẩm và thực tế, thậm chí có dấu hiệu sao chép, thiếu trung thực trong quá trình làm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan phải thực hiện nghiêm túc ngay từ khâu chấm điểm sản phẩm, gắn liền với kiểm tra thực tế, đánh giá trực tiếp ở đơn vị sản xuất… đảm bảo tính chính xác, khách quan, hạn chế phát sinh những tồn tại. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm đối với các chủ thể có sản phẩm đã được gắn sao OCOP tuân thủ quy trình sản xuất đúng như hồ sơ sản phẩm, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thông tin nguồn gốc xuất xứ… Ngoài ra, cần đầu tư mở rộng quy mô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhằm cải tiến mẫu mã và nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường.

Với mong muốn mang đặc sản Lý Sơn đi quảng bá với tất cả mọi người trên mọi miền Tổ Quốc, Công ty TNHH Volcano có xưởng sản xuất nằm tại đảo Lý Sơn, có thương hiệu OLVIS luôn mang đến cho quý khách hàng sản phẩm tốt nhất với các loại decor mang đậm màu sắc riêng và cho khách tham quan, khám phá quá trình sản xuất một cách công khai. Mọi người muốn mua sản phẩm chính gốc Lý Sơn hãy liên hệ cho bên mình để mua với giá ưu đãi nhé. 

Hotline: 0934193522.

Facebook: https://www.facebook.com/phuongtoiolvis

Shopee: Tỏi Lý Sơn chính gốc OLVIS, Cửa hàng trực tuyến | Shopee Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *