Hàng chục di tích liên quan đến chủ quyền biển Đảo Quốc Gia tại quần đảo Hoàng Sa đang hiện hữu tại Lý Sơn đã “ngủ quên” trong im lặng. Trước thực trạng đó, huyện Lý Sơn đã đưa ra những giải pháp ngay trong năm nay để các di tích trên hòn đảo này không bị nguội lạnh thêm nữa.
Mỗi năm đảo Lý Sơn đón trên 160.000 lượt du khách, trong đó có khoảng 6.000 khách quốc tế. Chưa lúc nào, hòn đảo này lại hấp dẫn khách du lịch như lúc này. Ngoài sự quyến rũ từ cảnh sắc, con người ở đây mang lại, Lý Sơn còn mê du khách thập phương bằng vẻ đẹp trầm tích của nó qua các đền đài, miếu. Đó là những địa chỉ mà du khách muốn khám phá khi đặt chân đến hòn đảo này.
Hấp lực Lý Sơn
Chừng 5 năm trở lại đây, khi nguồn điện cao thế vượt biển để có mặt trên đảo Lý Sơn, cơ sở hạ tầng từ đường xá, khách sạn, nhà nghỉ, các dịch vụ ăn uống cho đến phương tiện đi lại bắt đầu nhộn nhịp. Tàu cao tốc từ Sa Kỳ đi Lý Sơn và ngược, thay vì mỗi ngày một chuyến ra và một chuyến vào như những năm trước, nay tàu ghe tấp nập vào ra như đi chợ, ngày vài chuyến đến vài chục chuyến đều có. Các ngày lễ, tết đã có hàng ngàn người đổ về Lý Sơn khiến khách sạn, nhà nghỉ ở đây có lúc bị thiếu phòng trầm trọng.
Du khách đến Lý Sơn, ngoài việc khám phá “nhan sắc” hòn đảo đầy quyến rũ này, nhiều người còn muốn biết về lịch sử hình thành và tồn tại của nó nữa. Chẳng hạn như bằng cách nào mà từ hơn 300 năm trước, những con em của Lý Sơn đã có mặt tại Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền quốc gia bằng những chiếc thuyền câu mỏng manh như thế. Hoặc vì sao một vài hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa lại mang tên Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật.
Những nhân vật này có vai trò gì trong những chuyến hải hành từ Lý Sơn ra Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước. Hoặc vì sao ở Lý Sơn có lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Vì sao lúc thì gọi “thế lính” khi thì “tế lính”. Vì sao gọi là chùa Đục, sao lại gọi chùa Hang. Mùi vị của tỏi Lý Sơn rất đặc trưng là do đâu mà có hoặc di tích Âm linh tự mang ý nghĩa như thế nào về mặt tâm linh đối với dân Lý Sơn… Tất cả những câu hỏi đó và nhiều câu hỏi khác nữa sẽ có sức sống lâu bền hơn trong lòng du khách sẽ được chính người dân Lý Sơn giải đáp thấu đáo khi khách muốn biết.
Đánh thức di tích.
Như đã nói, chưa có hòn đảo nào ở miền Trung mà lượng khách tham quan tăng chóng mặt như ở Lý Sơn vài năm trở lại đây. Chưa có thống kê chính xác về số khách quay trở lại là bao nhiêu, song có một điều là du khách vẫn nườm nượp đi theo nhóm hoặc đi tự do để đến đây tham quan khám phá Lý Sơn thử. Lý Sơn rất “giàu có” về cảnh quan cũng như tiềm năng về du lịch nhưng lại “nghèo nàn” trong việc giữ chân du khách.
Hai ngày ở đảo là quá thừa thời gian cho một chuyến đi đến vùng đất lạ. Có lẽ sớm nhận ra sự đơn điệu ấy nên mới đây huyện Lý Sơn đã có quyết sách làm sao đó tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để giữ chân khách thập phương. Một trong những quyết sách ấy là “đánh thức” các di tích tại hòn đảo này.
Theo đó, sắp tới huyện Lý Sơn sẽ trích một phần ngân sách để cấp cho mỗi người cai quản di tích 1,5 triệu/tháng. “ Trước mắt, chúng tôi sẽ kết nối 8 di tích dọc tuyến đường ven biển, bắt đầu từ đình An Vĩnh đến đình An Hải, phân công người coi giữ, cung cấp tư liệu, bài thuyết trình để những hướng dẫn viên không chuyên này nắm được cốt lõi về lai lịch của các di tích ấy nhằm giải đáp cho du khách. Về lâu dài, huyện sẽ tổ chức bài bản hơn, cho số người coi các di tích ấy đi học những khóa thuyết trình”- ông Ngô Văn Nghĩa- Trưởng phòng Văn hóa thông tin Lý Sơn cho hay.
Thống kê của ngành văn hóa cho biết, hiện Lý Sơn có 4 di tích được xếp hạng quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và hàng chục di tích khác đang chờ xếp hạng. Tuy nhiên, hầu như tất cả các di tích-cũng là các điểm tham quan ấy, hoặc là cửa đóng then cài hoặc là du khách tự do tham quan. Một vài dòng về “lý lịch” của di tích được ghi trên bảng các điểm di tích không nói được gì nhiều về lịch sử của nó. Vì vậy, giải pháp đánh thức di tích trên đây của Lý Sơn là một hướng đi cần phát huy.