Chàng trai bị tiếng ‘bám váy mẹ’ bỏ ra đảo buôn tỏi Lý Sơn

Phương khi 20 tuổi chỉ dám ăn đồ mẹ gắp trong mâm cơm họ hàng, và đến ngày thành ông chủ, vẫn thấy mình như trẻ nhỏ khi gặp mẹ.

Ngô Phương quê ở Thái Nguyên, là con út trong gia đình đông con, vốn được mẹ chiều chuộng và hầu như không phải làm gì nặng nhọc. 20 năm đầu đời, anh ngồi mâm cơm giỗ, mẹ kè kè gắp gì anh dùng nấy, không gắp thì Phương cũng không dám động đũa. Anh chị em trong nhà còn phải thưa: “Mẹ thả ra thì nó mới lớn được”.

Vẫn nụ cười hiền và nhu mì, Ngô Phương của tuổi 35 kể lại hồi ấy bạn bè, người quen chọc nhiều rằng anh “bám váy mẹ”, rồi điều đó khiến anh xấu hổ mà nghĩ.

Giải pháp chàng thanh niên chọn là: ở xa mới bỏ được sự dựa dẫm. Và để không còn “bám váy”, cuối cùng anh chỉ còn cách xa mẹ lập nghiệp.

Ngô Phương ra Bắc vào Nam làm thuê và hiện ở đảo Lý Sơn kinh doanh.

Hành trình tự lập và khám phá của ‘cậu bé’ chậm lớn

Xuống Hà Nội năm 21 tuổi, bằng nghề cơ khí học hai năm trước đó, Phương đi làm thuê ở xưởng. Về phòng trọ 4 người sau cả ngày làm việc mệt nhọc, anh thợ không còn chờ ai gắp cho nữa vì theo lời Phương, “không ăn nhanh thì chúng nó ăn hết”.

Hơn 10 năm kể từ đó, chàng trai nhút nhát xưa sinh sống từ Bắc vào Nam. Có nơi giữ anh thời gian ngắn, lâu thì 5 năm như Hà Nội hay Sài Gòn. Ngày Phương vào Nam, mẹ và anh chị còn năn nỉ mở cơ ngơi riêng dưới quê cho nhưng người đàn ông này lúc ấy đã không còn níu váy.

Anh thợ cơ khí rồi điện tử dần khám phá ra sở thích “đi” của mình. Mỗi cuối tuần rảnh rỗi, Phương thường xách ba lô lên đường thăm thú các vùng đất cùng bạn bè, thậm chí đạp xe quãng đường xa. Theo anh, có lẽ bởi 20 năm đầu quen được bao bọc nên về sau cái gì mới cũng hấp dẫn tâm trí “cậu bé” lớn muộn. Dù thế suốt thời gian dài tuổi trẻ, Phương vẫn chưa tìm thấy đam mê thực sự của bản thân là gì.

Hồi còn làm thợ cơ khí, mỗi cuối tuần Phương lại đi khám phá cho bõ 20 năm đầu “trong vỏ”.

Tình cờ, một lần anh đọc được một bài viết trên mạng xã hội hướng dẫn cách làm tỏi đen. Anh Phương tò mò thử và làm hoài vẫn không thành công, có lúc tỏi cháy đen nồi. Nản chí nhưng rồi anh thợ nghĩ: “Người ta làm được, tại sao mình không?”. Phải mất gần một năm, chàng trai mới ra được mẻ tỏi đen đầu tiên vừa ý. Anh hồ hởi đem cho người thân quen thử, được khen ngon và động viên có thể kinh doanh.

Theo anh Phương, tỏi tươi sau khi thành tỏi đen (dưới tác động của nhiệt độ và độ ẩm trong 30 ngày) sẽ tăng dinh dưỡng gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, loại tỏi cô đơn (tỏi một nhánh) được sử dụng có hương nồng có thể gây khó chịu với nhiều người, nhưng tỏi trong quá trình chuyển màu đen sẽ khử bớt mùi này. Ngoài ra, Allicin, chất sinh ra trong quá trình đập hoặc cắt tỏi, là kháng sinh tự nhiên mạnh giúp tăng miễn dịch.

Tầm nhìn kinh doanh của anh thợ

Chuyến đi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) năm 2015 giúp anh Phương nhận ra tỏi ở đây thơm ngon, cùng tiềm năng bán đặc sản có thương hiệu tại chính vùng đặc sản, thay vì cạnh tranh ở các thành phố lớn. Khách du lịch, theo anh nhìn nhận, có nhu cầu mua lưu niệm hoặc về làm quà rất cao. Vì thế, Phương nhen nhóm xây dựng thành thương hiệu hoàn chỉnh và đóng gói bao bì bắt mắt. Hiện ngay trên đảo vẫn chỉ có khoảng hai nhà buôn tỏi có nhãn hiệu.

Anh Phương đánh giá tỏi Lý Sơn vốn trứ danh trở thành lợi thế sẵn có cho thương hiệu mình. Du lịch hòn đảo này đang phát triển nhanh. Lần đầu anh đặt chân đến năm 2015, Lý Sơn chỉ có một tàu ra vào trong ngày nhưng giờ đã là vài chuyến.

Dân đảo Lý Sơn trồng tỏi trên cát.

Tháng 4/2016, Ngô Phương khăn áo từ Sài Gòn ra Lý Sơn sống. Bạn bè bảo anh “khùng” và nói: “Trong khi dân đảo tìm mọi cách vô đất liền thì mày đi đường ngược lại”. Đời sống người thợ bấy giờ cũng khá ổn định, thậm chí sung sướng theo cách bạn bè anh nhìn vào, vì làm xong mỗi cuối tuần lại có thể đi chơi, du lịch đó đây.

Nhưng ở tuổi 33, anh Phương cảm thấy mình không thể cứ đều đều và nhàm tẻ thế mãi, phải làm gì đó khác biệt.

Anh Phương chọn bán tỏi cho du khách tại chính Lý Sơn và cất công xây dựng thương hiệu.

Startup trên đảo

Mất khoảng một năm “nằm vùng” để Phương chuẩn bị chỉn chu mọi thứ cho startup đổi đời của mình. Chủ nhân muốn đảm bảo đủ điều kiện pháp lý cho công ty trên đảo. Anh kiên nhẫn chờ đợi, di chuyển giữa Lý Sơn và đất liền để xin giấy phép cũng như trải qua các vòng kiểm nghiệm sản phẩm mô hình. Anh thợ ngày nào bước chậm rãi hành trình biến đổi từ người làm thuê đến ông chủ.

May mắn, thời gian này một người bạn Sài Gòn chỉ anh cách làm trà sữa và bánh tráng trộn. Phương nhanh trí thử tài kinh doanh trên vùng đất mới. Không ngờ những món ngon này hấp dẫn cư dân trên đảo, giúp anh có khoản tiền duy trì cuộc sống và nhờ trà sữa mới “nuôi” được tỏi. Giờ đây, dân Lý Sơn có thể không biết doanh nhân tỏi đen là ai nhưng hỏi họ về “ông trà sữa”, trẻ con người già ai nấy đều có thể chỉ mặt.

Tỏi tươi sau khi hóa tỏi đen đỡ cay, nồng, có vị hơi ngọt.

Cửa hàng tỏi đen Volcano của Ngô Phương chính thức đi vào hoạt động ở cầu cảng Lý Sơn năm 2017. Khởi nghiệp nên ông chủ của nó phải tham gia làm hầu hết mọi việc từ thu mua nguyên liệu, chế biến tỏi đen cho đến bán, chào hàng. Anh Phương bận từ sáng tới khuya. Khi được hỏi có buồn với cuộc sống ngoài đảo xa, anh đáp: “Mình chẳng còn thời gian mà buồn”.

Các khâu bao bì, kiểm nghiệm, vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy tờ cũng tiêu tốn nhiều chuyến di chuyển giữa đảo và đất liền của doanh nhân tỏi.

Bên cạnh sản phẩm gốc, startup của Phương còn bán rượu tỏi đen, mứt tỏi đen và giấm tỏi mật ong. Rượu tỏi này dễ uống với cả người già và giữ nguyên những tác dụng chữa bệnh của tỏi. Anh Phương chia sẻ người dùng phản hồi tốt với món rượu này và giá Volcano đưa ra phải chăng so với thị trường.

Chủ nhân startup tỏi nhìn nhận chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn. Mục tiêu anh ấp ủ trong năm nay là mở xưởng rộng để tăng quy mô sản xuất và kỳ vọng có thể đón khách tham quan cơ sở làm tỏi đen. Doanh thu hiện tại của công ty chủ yếu cũng được dồn để tái đầu tư. Anh Phương hướng đến việc chào bán nhà phân phối trên đất liền thời gian tới vì mùa biển động, chẳng khách nào ra đảo.

Tỏi đen và rượu tỏi của Ngô Phương có nhãn hiệu riêng và được đóng gói bắt mắt phục vụ nhu cầu biểu tặng của du khách.

Giờ mỗi lần Ngô Phương trở về nhà, người quen thuở nào như gặp một con người khác. Thanh niên “mỏng manh dễ vỡ” vừa gày, ốm, vừa nhát khi xưa khiến ai nấy ngạc nhiên bằng dáng dấp rắn rỏi của người bươn chải vùng đảo.

Riêng sự quan tâm của người mẹ vẫn không thay đổi. Anh Phương đượm buồn mỗi lần mẹ gọi điện hỏi thăm: “Có thiếu thốn gì không, mẹ gửi cho”. Phương về, bà khăng khăng vào bếp xắn tay vì quả quyết “chỉ tao biết nó thích ăn món nào và kiểu gì”. Người đàn ông vào Nam ra Bắc vẫn cảm giác như trẻ nhỏ mỗi khi nhắc về mẹ.

Theo Ngôi Sao VNE

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *