Lý Sơn hiện nay được mệnh danh là ‘Vương Quốc Tỏi’. Nhưng vào thế kỷ 19, người Lý Sơn chưa lấy tỏi làm cây trồng truyền thống, mà là một loại cây trồng khác. Hiện nay tại nhà thờ của các tộc họ trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn lưu giữ hàng vạn trang tài liệu Hán Nôm, mà trong số đó có những tài liệu Hán Nôm có niên đại rất sớm, từ thời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định (1601–1619), liên quan đến việc khai phá đất đảo Lý Sơn.
Một góc An Hải – Lý Sơn.
Ở đây xin được giới thiệu một bản tấu trình vào tháng 5 năm Minh Mạng thứ 6 (1825) của Cựu lĩnh suất (đội) Biệt nạp Cai hợp Thắng (Nguyễn Quang Thắng), Xã trưởng Trương Văn Liễu, Xã trưởng Nguyễn Văn Kháng, Cai đình Nguyễn Văn Sắt, Chấp sự Dương Văn Nhạc, Thủ bản Nguyễn Văn Chiến cùng toàn phường An Hải – Lý Sơn, thuộc Nội phủ, huyện Bình Sơn.
Tài liệu thời Minh Mạng ở Lý Sơn nói về việc đóng thuế
Từ bản tấu trình về việc nộp thuế cho kinh thành ta có thể tạm hiểu như sau:
Bản tấu trình này chỉ có hai trang, nhưng phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử, hành chính, thuế khóa, sản vật địa phương… Ở đây, chúng ta đề cập đến một vài vấn đề:
Thứ nhất, về loại thuế thì đây là loại thuế biệt nạp, là loại thuế mà các hạng người phải đóng bằng sản vật (phân biệt với thực nạp là hạng phải đóng thuế bằng tiền và lúa, tức thuế đinh và thuế điền). Quy định nộp thuế như trên là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện thời. Trong sách Đại Nam thực lục (chính biên), đệ nhất kỷ, có ghi chép: Vào tháng 6 năm Tân Dậu, cho “thu các thuế điền tô, sai dư và biệt nạp ở các phủ huyện Thuận Hóa” và còn ghi thêm rằng: cho “thu thuế điền và thuế biệt nạp ở Quảng Ngãi, thuế biệt nạp ở Quảng Nam, đều y theo lệ Thuận Hóa mà làm” (Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam thực lục (chính biên), bản dịch của Viện Sử học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 1).
Thứ hai, người chuyên lo thu thuế biệt nạp là Cai hợp đội Biệt nạp Nguyễn Quang Thắng, làm Cai hợp trong Tam ty từ thời các chúa Nguyễn (sau này theo quan chế thời Gia Long -1804, Cai hợp là chức hàm quan văn, trật tòng lục phẩm, làm việc tại các ty lệnh sử thuộc lục bộ).
Thứ ba là nơi nộp: nộp trực tiếp cho kinh thành Phú Xuân (chứ không phải nộp vào tỉnh thành Quảng Ngãi).
Thứ tư, loại thuế phải nộp, tài liệu này nêu rõ, là phụng du – tức dầu phụng.
Từ việc quy định phải nộp thuế biệt nạp, tức phải nộp bằng chính sản vật đặc trưng của địa phương, thì thứ mà người An Hải – Lý Sơn phải nộp thời bấy giờ chính là phụng du – tức dầu phụng. Qua việc phải nộp thuế bằng dầu phụng, có thể suy đoán rằng: lúc đó ở phường An Hải (tức là xã An Hải bây giờ) nói riêng, và có thể cả Lý Sơn nói chung, có trồng nhiều cây đậu phụng, là thứ cây trồng đặc trưng ở đây (chứ không phải là tỏi, hành như hiện nay).
Một góc An Vĩnh Lý Sơn.
Về lực lượng chuyên đi thu thuế dầu phụng, có thể đề cập thêm một văn bản Hán Nôm khác, còn lưu tại tộc họ Võ, đó là đơn xin của phường An Vĩnh (ở Cù Lao Ré – Lý Sơn) tách khỏi xã An Vĩnh (ở vùng cửa biển Sa Kỳ) vào ngày 11 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804), do Cai đội Nguyễn Văn Giai, Cai đội Võ Văn Khiết cùng toàn phường An Vĩnh kính trình. Tờ đơn này có nêu công lao của các bậc tiền nhân trong việc lập Đội Hoàng Sa đi bảo vệ vùng biển đảo, tìm kiếm các hải vật đem về kinh phụng nộp; trong đó còn có nêu: Các cai đội trước thời Gia Long là Nguyễn Thụ, Nguyễn Văn Giai đã lập thêm hai đội thu thuế, đều do Đội Hoàng Sa kiêm quản, đó là Đội Quế hương và Đội Phụng du, các đội chuyên này đi thu thuế mắm và thuế dầu phụng. Từ văn bản này, có thể biết thêm là việc đi thu thuế dầu phụng chính là chức năng của Đội Phụng du, do Đội Hoàng Sa lập ra và kiêm quản; và trước thời Gia Long, đậu phụng đã một thứ cây trồng phổ biến, đặc trưng trên đảo Lý Sơn, chứ không phải đợi đến thời Minh Mạng.
Nhưng mỗi người đến tuổi chịu thuế ở Lý Sơn phải nộp bao nhiêu dầu? Trong một bản tấu trình khác, cũng của gia tộc họ Nguyễn Quang làng An Hải, được viết vào ngày 12 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), do Lý trưởng Nguyễn Văn Huân, chức dịch Lê Văn Xúc cùng các Hương mục thuộc 7 họ bản phường An Hải, có cho biết rõ thêm: Vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), triều đình lại quy định: hàng năm mỗi người phải chịu nạp thuế biệt nạp là 50 cân dầu phụng, và còn nộp thêm hương du (dầu thơm) cùng cá khô, cá trích…
Như vậy có thể thấy trước khi trồng hành, tỏi như bây giờ loại cây trồng nhiều và là đặc sản của Lý Sơn thời đó là đậu phộng, hải sản các loại. Hiện nay đậu phộng vẫn được trồng xen lẫn với các vụ mùa hành, tỏi ở huyện đảo Lý Sơn dùng để ăn thường ngày và ép dầu phộng để bán và tiêu dùng cho mọi người dân trên đảo. Dầu phộng nhiều chất dinh dưỡng và rất tốt cho cơ thể nên rất được ưa chuộng và tiêu dùng hơn so với loại giàu công nghiệp bây giờ.
Trên đây là những hiểu biết mà nhà Olvis muốn giới thiệu đến tất cả mọi người. Với mong muốn mang đặc sản Lý Sơn đi quảng bá với tất cả mọi người trên mọi miền Tổ Quốc, Công ty TNHH OLVIS VIỆT NAM có xưởng sản xuất nằm tại đảo Lý Sơn, có thương hiệu OLVIS luôn mang đến cho quý khách hàng sản phẩm tốt nhất với các loại decor mang đậm màu sắc riêng và cho khách tham quan, khám phá quá trình sản xuất một cách công khai. Mọi người muốn mua sản phẩm chính gốc Lý Sơn hãy liên hệ cho bên mình để mua với giá ưu đãi nhé.
Hotline: 0934193522 – 0974500554
Facebook: https://www.facebook.com/phuongtoiolvis
Shopee: Tỏi Lý Sơn chính gốc OLVIS, Cửa hàng trực tuyến | Shopee Việt Nam