Xó La nước ngọt lại thanh
Nằm bên mé biển dập dềnh sóng xô.
Giếng Xó La là một giếng nước ngọt cổ có rất nhiều tên nhưng tên khác phổ biến nhất là giếng “vua”, đây là một giếng nước cách bờ biển khi thủy triều lên tầm 5 đến 7m lúc chưa xây dựng các công trình và cảng Bến Đình như bây giờ, giếng thuộc thôn Đông, An Vĩnh, Lý Sơn. Tuy cách bờ biển gần như thế nhưng giếng không bao giờ cạn mà còn có vị ngọt, thanh mát và nước thì trong veo.
Giếng cổ lúc chưa làm đường và chưa xây dựng các công trình như bây giờ
Theo các nhà nghiên cứu, giếng cổ Xó La xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm sinh sống, trong đó có giếng Xó La vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay. Như vậy, giếng Xó La có “tuổi” ít nhất là 5 thế kỷ. Giếng còn có truyền thuyết kể lại tương truyền giếng này do vua Gia Long khi đến thăm đảo Lý Sơn gặp mùa hạn hán bèn lập đàn cầu mưa. Đêm đó nhà vua nằm mộng, được trời chỉ cho chỗ mạch nước để đào giếng. Dân gian còn có truyền thuyết khác xa xưa hơn: khi Nguyễn Ánh còn đối đầu với nhà Tây Sơn, đã nương náu tại đảo Lý Sơn, nằm mộng được thần chỉ cho chỗ đào giếng này.
Giếng cổ Xó La có tổng diện tích mặt bằng là 72,3m2, nền giếng có dạng hình chữ nhật với chiều dài 7,3m, chiều rộng 6,3m, diện tích 46m2. Giếng có chiều sâu (từ mặt đất xuống đáy giếng) 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng.
Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết: Hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm, một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn, nhưng ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo, nên giếng được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm mà không bị nhiễm mặn.
Theo lời kể của các bậc cao niên, trước đây đáy giếng hình vuông, có bốn súc gỗ lim lớn chèn xung quanh, nhưng về sau, khi nạo vét, người dân đã thay những súc gỗ đó bằng đá. Việc sử dụng vật liệu xi măng gia cố thành giếng là xuất hiện rất lâu về sau, và bởi người Việt.
Để tham quan nhưng không giếng này ngoài cung cấp nước uống, nước sinh hoạt, còn dùng để tưới tiêu, và xưa nay nhiều người trên đảo vẫn buôn bán nước ở giếng này bằng việc những người buôn nước sẽ múc nước tại giếng rồi đem bán cho những hô dân cần mua nước ngọt.